Nhận xét Hà_thành_chính_khí_ca

Viết về thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai có vài bài như Điếu Hoàng Diệu tuẫn tiết, Hà Thành hiểu vọng, Hà Thành thất thủ, Hà Thành thất thủ ca (dài 262 câu lục bát)[3]; nhưng chỉ có Hà thành Chính khí ca là nổi tiếng hơn cả.

GS. Phạm Thế Ngũ viết:

"Hà Thành chính khí ca" về sau được truyền tụng hơn cả, phần vì cây bút nôm giản dị và điêu luyện của tác giả, phần vì lòng trung trực yêu chính khí, ghét gian tà đã bộc lộ trong lời lẽ. Thật chẳng kém chi bài Chính khí ca của Văn Thiên Tường đời Tống xưa...'[4]

GS. Thanh Lãng cũng đã đưa ra nhận xét:

Với một lối văn rõ ràng, giản dị, cảm động, hùng hồn. Nguyễn Văn Giai chỉ ra cái hèn nhát của bọn buôn dân bán nước, cốt đánh đổi cái "chánh khí" của các trung thần, nghĩa sĩ. Ở đây, tác giả đề cao cái triết lý Anh hùng theo Nho giáo, nghĩa là dù ở đâu và lúc nào cũng phải giũ được khí phách của con người quân tử, như tinh hoa của trời đất tỏa biến ra muôn vật."Chính khí ca" có thể xem như một bài hịch tướng sĩ, để cổ võ phong trào kháng chiến... Chính khí ca còn bộc lộ tâm lý và sức phản ứng của giới sĩ phu đối với thời cuộc: hai phe chủ hòa và chủ chiến đang xung đột nhau và ông đứng hẳn về hàng ngũ thứ hai, quyết dùng võ lực để đánh đuổi xâm lăng, thi hành chánh sách bất hợp tác để tỏ lòng căm phẫn...[5]

Xét về mặt nghệ thuật, Từ điển văn học (bộ mới) đánh giá:

Tuy nghệ thuật của bài thơ chưa cao hơn truyện Nôm bình dân thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, nhưng dẫu sao vẫn có ý nghĩa khái quát cao về bản chất những quan lại tham sinh, úy tử, vẫn ăn sâu vào tâm trí người nghe, người đọc.[6]